Từ một đô thị loại 5 với hạ tầng, kinh tế – xã hội chỉ phát triển ở mức trung bình, trong những năm tới, huyện Cam Lâm được định hướng phát triển lên đô thị loại 1, trở thành đô thị sân bay tầm cỡ khu vực và quốc tế. Để đạt được điều đó, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và các cơ quan chuyên môn đã nỗ lực xây dựng Đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm nhằm đánh thức tiềm năng, thế mạnh của vùng đất này.
Kỳ 1: Cơ hội để phát triển đột phá UBND tỉnh vừa có tờ trình gửi Bộ Xây dựng thẩm định Đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045.
Theo đó, Cam Lâm sẽ trở thành đô thị sân bay tầm quốc tế, mô hình đô thị thông minh và là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí tầm quốc gia, hạt nhân phát triển du lịch của khu vực và thế giới. Định hướng trở thành đô thị mang tầm quốc tế Theo tờ trình của UBND tỉnh, đô thị mới Cam Lâm được chia làm 3 khu vực với những đặc trưng phát triển riêng biệt.
Khu vực 1 là khu vực đồng bằng trung tâm và 2 bên đầm Thủy Triều, gồm thị trấn Cam Đức và các xã như: Cam Hải Tây, Cam Hải Đông, Cam Thành Bắc… Nơi đây sẽ hình thành và phát triển các dịch vụ thương mại – du lịch, đô thị cao cấp. Phần phía bắc khu vực này sẽ phát triển công viên chuyên đề, khu dân cư cao cấp, khu ở chuyên gia, khu du lịch sinh thái. Khu vực 2 là khu vực phía bắc, gồm các xã Cam Tân, Cam Hòa và phần phía đông của các xã Suối Tân, Suối Cát.
Bên cạnh Khu Công nghiệp Suối Dầu, Cụm Công nghiệp Trảng É, khu vực này được định hướng phát triển đô thị dịch vụ công nghiệp, trung tâm công nghiệp, logistics, dịch vụ du lịch. Khu vực 3 là khu vực phía tây, gồm các xã Sơn Tân, Cam Phước Tây và phía tây một số xã khác. Đây là khu vực đồi núi, với thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp cho việc phát triển lâm nghiệp, cây công nghiệp, chăn nuôi và dịch vụ du lịch sinh thái, thể thao leo núi.
Đơn vị tư vấn đã định hướng phát triển đô thị mới Cam Lâm thành 7 phân khu chức năng.
Phân khu 1 là Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh với 3.561ha, quy mô dân số khoảng 75.000 người. Đây là khu đô thị dịch vụ, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp trung tâm dịch vụ thương mại, hội thảo du lịch vùng quốc gia và quốc tế.
Phân khu 2 có diện tích 5.367ha, quy mô dân số khoảng 300.000 người; có tính chất là đô thị dịch vụ công nghiệp, trung tâm công nghiệp logistics.
Phân khu 3 có diện tích hơn 7.000ha, quy mô dân số khoảng 340.000 người; được định hướng không gian chức năng dịch vụ thương mại, nghỉ dưỡng, du lịch, sân golf, các loại hình công viên chuyên đề…
Phân khu 4 là phân khu đô thị trung tâm, có diện tích hơn 6.000ha, quy mô dân số khoảng 340.000 người. Đây là trung tâm tài chính, công nghệ, đổi mới sáng tạo và trí tuệ toàn cầu, kết hợp đa dạng các loại hình đô thị mật độ thấp và mật độ cao.
Phân khu 5 rộng hơn 9.500ha, quy mô dân số khoảng 17.000 người; có tính chất là tổ hợp các sân golf lớn và độc đáo, cùng các loại hình công viên chuyên đề.
Phân khu 6 có diện tích gần 12.000ha, có quy mô dân số khoảng 14.000 người; là khu dân cư hiện hữu, được cải tạo, chỉnh trang kết hợp du lịch sinh thái.
Phân khu 7 có diện tích hơn 11.000ha, quy mô dân số khoảng 3.000 người; là khu dân cư hiện hữu kết hợp du lịch nghỉ dưỡng tại Hòn Bà.
Ông Trần Nam Bình – Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, đô thị mới Cam Lâm có tính chất là đô thị sân bay quốc tế, phát triển theo mô hình đô thị thông minh, sáng tạo mang tầm quốc gia và tương tác tiệm cận quốc tế. Đây là trung tâm đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, khoa học – công nghệ và hợp tác phát triển tầm khu vực, trong đó tập trung phát triển các lĩnh vực tài chính và thương mại – dịch vụ, giáo dục – đào tạo, có vai trò là hạt nhân trong đổi mới sáng tạo, phát triển nền kinh tế số của Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung.
Quy hoạch đô thị mới Cam Lâm sẽ biến nơi đây thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cấp quốc gia, hạt nhân phát triển du lịch khu vực và thế giới. Tạo động lực phát triển Huyện Cam Lâm được thành lập vào tháng 4-2007 trên cơ sở điều chỉnh diện tích tự nhiên và nhân khẩu của thị xã Cam Ranh. Cam Lâm nằm gần đường hàng hải quốc tế với hệ thống cảng biển gắn với đầu mối giao thông quan trọng cả về đường bộ, đường sắt và đường hàng không. Địa phương có Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh giàu tiềm năng phát triển. Với điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển và du lịch, thế nhưng sau hơn 15 năm phát triển, đến nay, Cam Lâm vẫn chưa có gì nổi bật.
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Minh Thạnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm cho biết, ngoài Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh được tỉnh kêu gọi thu hút đầu tư nhiều năm nay thì toàn huyện chỉ có tuyến đường Đinh Tiên Hoàng là khang trang nhất. Tình hình kinh tế – xã hội của huyện chỉ ở mức trung bình, đời sống người dân chưa được nâng cao, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của huyện. Vì vậy, việc quy hoạch đô thị mới Cam Lâm được triển khai là cơ hội để địa phương phát triển bứt phá.
“Khi quy hoạch được triển khai, các dự án liên quan đến khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo, y tế, du lịch nghỉ dưỡng… sẽ giúp Cam Lâm “lột xác”; người dân có điều kiện nâng cao thu nhập, thụ hưởng các dịch vụ, nâng cao chất lượng cuộc sống… Chính vì vậy, cán bộ và nhân dân huyện Cam Lâm đều mong muốn quy hoạch sớm được thực hiện, dự án sớm được triển khai”, ông Thạnh cho hay.
Ông Nguyễn Tấn Tuân – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, góp phần tăng nhanh quỹ nhà ở, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Quy hoạch được triển khai sẽ giúp đời sống người dân được cải thiện đáng kể do được tiếp cận với các dịch vụ hạ tầng cơ bản, điều kiện nhà ở và môi trường được cải thiện.
Đồng thời, sẽ tạo công ăn việc làm, tăng thu ngân sách, tăng tỷ lệ đô thị hóa, thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng thương mại – dịch vụ, làm thay đổi bộ mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, đáp ứng nhu cầu an sinh cho người dân. Sau khi quy hoạch chung được phê duyệt, cơ quan chức năng tiếp tục lập các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, kêu gọi đầu tư, sớm đưa quy hoạch vào cuộc sống nhằm đưa Cam Lâm phát triển đột phá.
Kỳ 2: Đảm bảo quyền lợi cho người dân
❤️❤️ Theo tính toán sơ bộ, Đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm sẽ tác động đến 1/3 tổng diện tích toàn huyện, với khoảng hơn 2/3 dân số huyện Cam Lâm sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và quyết tâm cao của toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, các vấn đề về tái định cư, chuyển đổi nghề nghiệp, đền bù giải tỏa sẽ được thực hiện tốt nhằm đảm bảo quyền lợi và cuộc sống của người dân.
Tái định cư trước, thu hồi đất sau Nhâm nhi ly cà phê sáng, ông Đỗ Minh Thạnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm không giấu được niềm vui vì qua đợt tiếp xúc cử tri vừa rồi, lãnh đạo tỉnh và huyện nhận thấy về cơ bản người dân đã hiểu và đồng tình với Đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm.
Những băn khoăn, thắc mắc và lo lắng của người dân đã được lãnh đạo các cấp ghi nhận và coi là trách nhiệm phải giải quyết khi thực hiện đồ án quy hoạch này. Toàn huyện Cam Lâm có tổng diện tích 54.719ha, trong đó Đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm tác động đến khoảng 18.000ha. Đất để thực hiện các ý tưởng trong quy hoạch chủ yếu nằm ở trung tâm huyện, vì vậy ảnh hưởng đến khoảng 80.000/110.000 người dân toàn huyện. Do đó, chính quyền cần phải giải quyết thỏa đáng các vấn đề liên quan, người dân đồng tình ủng hộ thì mới triển khai được.
Vấn đề người dân rất quan tâm hiện nay là đền bù như thế nào, tái định cư có đảm bảo hay không? Ông Thạnh cho biết, hiện nay, các cấp, ngành mới xây dựng đồ án quy hoạch chung; sau đó sẽ lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; rồi xác định vị trí, khu vực đầu tư và kêu gọi đầu tư. Khi có nhà đầu tư, chính quyền mới xác định các bước thu hồi đất và tính đến chuyện đền bù giải tỏa. Hiện nay, theo Nghị quyết số 18 ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao thì sẽ bỏ khung giá đất của Nhà nước và đền bù theo giá thị trường.
Về vấn đề tái định cư, địa phương phải xây dựng xong khu tái định cư, người dân đồng ý nhận đất, nhận nhà thì mới tiến hành thu hồi đất, bảo đảm nơi ở mới phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ. Được biết, đơn vị tư vấn đã xác định 5 khu vực dự kiến xây dựng các khu đô thị tái định cư với tổng diện tích hàng trăm héc-ta để phục vụ tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi Đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm.
Trong đó, lớn nhất là khu đô thị tái định cư tại phường Cam Nghĩa (TP. Cam Ranh) do Công ty Cổ phần Muối Cam Ranh làm chủ đầu tư, với diện tích 87,64ha, gồm các hạng mục: Nhà ở liên kế, nhà ở thương mại, trường học và trung tâm văn hóa thể thao. Việc đầu tư dự án sẽ đáp ứng nhu cầu tái định cư cho người dân khi thực hiện Dự án Đô thị sân bay Cam Lâm… Các khu vực khác đang được đơn vị tư vấn xác định cụ thể với tinh thần chung là tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, không đưa người dân đi xa nơi ở cũ. Quan tâm việc làm và đào tạo nghề
Trong đợt tiếp xúc cử tri huyện Cam Lâm vừa qua, có 3 vấn đề người dân quan tâm là: Việc quy hoạch có khả thi hay không? Đền bù, tái định cư như thế nào? Nghề nghiệp, sinh kế của người dân ra sao? Có thể khẳng định, Đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm được sự chỉ đạo xuyên suốt từ Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội bằng các nghị quyết về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Các đồng chí lãnh đạo Trung ương đã về làm việc và giao nhiệm vụ đến năm 2030, Khánh Hòa phải trở thành phố trực thuộc Trung ương. Muốn vậy, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh phải đảm bảo các yếu tố, điều kiện cần thiết. Việc triển khai Đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm nhằm góp phần cụ thể hóa các chủ trương lớn của Trung ương nên đảm bảo tính khả thi của quy hoạch. Trước đây, khi lấy ý kiến người dân về Đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đã có nhiều ý kiến trái chiều. Nguyên nhân là do địa phương chưa tuyên truyền, giải thích rõ cho người dân hiểu được về tầm vóc, ý nghĩa, cũng như lợi ích mà đồ án quy hoạch sẽ mang lại.
Ông Đỗ Minh Thạnh cho biết, ngay từ khi Đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm được triển khai, huyện đã chủ động nắm bắt các thông tin liên quan đến nhu cầu việc làm của người dân trên địa bàn. Mới đây, Ban Chỉ đạo Quy hoạch tỉnh đã giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND huyện Cam Lâm lập đề án chuyển đổi nghề nghiệp. Huyện đang tiến hành khảo sát nhu cầu việc làm của người lao động ở 14 xã, thị trấn để có số liệu chính xác nhất. Việc khảo sát được thực hiện cụ thể theo từng nhóm tuổi (15-19, 20-24, 25-35 và 35 tuổi trở lên), giới tính, trình độ chuyên môn, trình độ học vấn, nhóm việc làm nông nghiệp, phi công nghiệp để có chính sách đào tạo phù hợp.
Theo khảo sát sơ bộ của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Cam Lâm, hiện nay, lực lượng thanh niên học xong chủ yếu ở lại TP. Hồ Chí Minh làm việc. Tại Cam Lâm, lực lượng lao động chủ yếu làm việc trong các dự án tại Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh. Hiện nay, địa phương quan tâm nhất là lực lượng lao động nông nghiệp, chủ yếu ở độ tuổi trung niên trở lên. Họ đã lớn tuổi nên chậm thích ứng, bám lấy ruộng vườn, thu nhập không ổn định. Khi xây dựng đề án đào tạo nghề, huyện sẽ làm việc với các nhà đầu tư để có hướng đào tạo chăm sóc vườn hoa, cây cảnh trong các dự án du lịch. Bên cạnh đó, huyện sẽ làm việc với các doanh nghiệp đang cần lao động ngành nghề gì, sau đó làm việc với các trường THPT trên địa bàn huyện để định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
Trong cuộc họp mới đây, ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, thời gian tới, các sở, ngành và UBND huyện Cam Lâm cần nghiên cứu kỹ để xây dựng đề án giải quyết việc làm và đào tạo nghề phù hợp, trong đó cần quan tâm đến lợi ích từng nhóm đối tượng. Đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm là cơ hội để huyện phát triển đột phá trong thời gian tới; đồng thời sẽ nâng cao lợi ích, thu nhập, chất lượng sống của từng người dân. Vì vậy, trong quá trình tuyên truyền, cán bộ phải giải thích rõ điều này, làm sao để người dân thấy được lợi ích của mình gắn với lợi ích chung của xã hội để người dân đồng thuận, ủng hộ.